Xuyên suốt Những người khốn khổ là khúc tráng ca bi tráng mài khắc chân thật, tỉ mỉ từng linh hồn lao động khổ sai giữa nhân thế nhưng vẫn không ngừng phụng sự cái đẹp.
Nhắc đến đại văn hào Victor Hugo ắt hẳn người ta sẽ nhắc ngay đến thiên tiểu thuyết đồ sộ “Những người khốn khổ”, tác phẩm xuất sắc chiếm lĩnh văn đàn nước Pháp bất chấp sự mặc cả phù phiếm của thời gian. Tuyệt tác trên chính là sợi dây móc nối hơi ấm hôi hổi của tiểu thuyết hiện thực với tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết sử thi và tình yêu trên khắp nhân thế.
Với ngòi bút mang màu sắc chủ nghĩa lãng mạn tích cực, Victor Hugo không ngừng khắc họa những con người lý tưởng với cái đẹp tinh khiết, sự thánh thiện tuyệt đối giữa chốn hiện thực đầy cạm bẫy, dối lừa và khổ đau nói chung, xã hội nhiễu nhương Pháp nửa đầu thế kỉ XIX khi coi người khốn khổ đồng dạng với tội phạm cần nghiêm trị dưới chính quyền tư sản nói riêng thời bấy giờ.
Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tôn giáo, chủ nghĩa không tưởng Pháp, nhưng trong“Những người khốn khổ” ông vẫn nhận thức được sai lầm từ những ảo tưởng của mình, rạn nứt trong tư tưởng nhân văn bất bạo động và dẫn đến việc vùng lên của những người khốn khổ nhằm thủ tiêu chế độ cũ dẫu chưa triệt để, dứt khoát. Tác phẩm cất chứa không chỉ những phận đời bất hạnh bị đày ải trong chính linh hồn mình mà còn bài hát ca vang bất tận về tình yêu như tình yêu đối với các con chiên của linh mục Myriel, tình phụ tử giữa Jean Valjean và Cossette, tình yêu vô vọng của Fantine với Éponine, tình yêu nước của Jean Valjean…
“Những người khốn khổ” thực sự là hỗn hợp của khổ đau tận cùng và cái đẹp tinh khiết mẫu mực giữa trần thế. Hay nói như Victor Hugo: “Bất hạnh làm nên con người, giàu sang tạo ra quái vật”. Khi gặp gỡ từng dòng chữ, ta dường như ứng phạm với những linh hồn lao động khổ sai nhưng vẫn không quên phụng sự cái đẹp lương tri, tình yêu cao cả trong chính trái tim mình như một nhiệm vụ thiêng liêng, màu nhiệm. Bởi thế nên đây là một tác phẩm không dành cho những người đọc dễ dãi, nửa vời. Đừng thắc mắc mặc cả vì sao văn chương nó thế này, vì sao nó lại thế kia, không đi sâu vào lòng mình được. Bởi nếu không phải vượt qua trăm lần thử lửa của thời gian, vượt qua sự nâng niu sát cạnh sự hạch sách của độc giả muôn đời, nó đã trở thành thai lưu biến mất từ lâu rồi. Sự đồng điệu của bạn với tác phẩm chính là gặp gỡ với những tư tưởng lớn lao, vĩ đại bậc nhất của nhân loại lúc bấy giờ.
Trong kiệt tác“Những người khốn khổ”, nhân vật chính Jean Valjean (Giăng Van Giăng) là hiện thân cho những xung đột thiện và ác rất đỗi con người bởi cuộc chiến giằng xé giữa một bên tôn trọng luật pháp và một bên đạo lí con người được Victor Hugo miêu tả lên tới đỉnh điểm rất hay. Đây có thể coi là một chìa khóa vàng, là văn đàn giải phong ấn cho những lầm tưởng bất lâu nay trong xã hội nước Pháp về “con người của tầng lớp dưới”. Văn chương của đại văn hào Victor Hugo trong hơn một nghìn trang giấy đều nhất mực khẳng định những điểm khác nhau trong tư tưởng văn chương của ông với sự bi quan xã hội, hiện thực phê phán được phô tỏ trong các tác phẩm của các nhà văn đương thời như “Đỏ và Đen” của Sendhal, “Tấn trò đời” của Balzac, “Những linh hồn đã chết” của Gogol,..“Những người khốn khổ” giống như ly rượu đầy được cất ủ rất lâu trong sự xa lạ chính nơi mà mình hít thở, nó vị ngang ngang, không cay cũng không nồng nhưng uống vào lại rất dễ say. Thành thử ra, nó không giống một thứ rượu cao quí hay bình dị nào cả. Nó tồn tại giữa sự nghèo đói như một vị cứu tinh cho linh hồn của họ, giải thiêng cho những tội lỗi mà họ trót mang vướng vào người với chất nhân đạo đậm đặc và hướng lãng mạn hóa, không dính dớp chút nào với văn chương chủ nghĩa hiện thực phê phán hay cách ly hiện thực, hoài cổ như phần đông văn sĩ ở đất nước hình lục lăng này (một hình khối với hình lục giác) thời bấy giờ.
Victor Hugo đặc biệt tôn trọng ngòi bút của chính mình khi không thể nào cất giấu được tấm lòng cảm thông, yêu mến những con người ở dưới đống bùn lầy tận đáy của xã hội đang ngoi ngóp thở ham muốn được sống cho ra con người trong đất nước được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng” của thế giới trong tác phẩm của mình. Văn chương của ông có thể được gói gọn trong một lời tựa của bản thân ở đầu trang sách như sau:
“Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích.””
Hoặc cũng có thể là các công trình nghiên cứu hàng nghìn trang từ những nhà văn mọi miền xứ sở tìm đến, chỉ để thỏa cái thú tham gia vào cuộc hành trình tìm kiếm hạt ngọc lương tri-một chất liệu quí giá của vẻ đẹp hoàn mỹ đến từ con người mà không một đấng thần linh nào dám khinh nhờn sau gần hai thế kỉ Victor Hugo đã kí gửi ở nhân thế tạm bợ này.
Chính bản thân tác phẩm là một thiên truyện dài với sự có mặt của rất nhiều nhân vật, rất nhiều câu chuyện ngổn nganh trong thế giới người ta chưa chắc gọi nhau bằng cái tên chân thật, yêu dấu thường ngày. Jean Valjean xuất hiện dưới góc quay là một người tù khổ sai bởi khi là một chàng thanh niên nghèo, ông đã ăn cắp chiếc bánh mỳ về cho gia đình bị chết đói của mình. “Lúc vào tù, Jean Valjean run sợ, khóc lóc, đến khi ra, anh thành người thản nhiên, trơ như đá”, “con người bị pháp luật hất ra ngoài xã hội ấy, nhìn loài người với cặp mắt giận dữ”. Đây là một tội ác ư? Một tội ác của xã hội khi thúc đẩy một con người lầm lỡ phải mang vác tội ác suốt đời chứ không chỉ là 19 năm ngồi tù với số hiệu 24601? Chính người đọc không chừng còn lầm tưởng đây là con số trên một tấm bia mộ vô danh nào đó được thần chết ghé thăm ở chốn địa đàng ban cho thay cho tên họ con người. Xét cho cùng, nơi nương náu cuối cùng của Jean Valjean là ở đâu nếu không phải tự mình tìm kiếm lấy? Nguồn gốc của nỗi khốn khổ của Jean Valjean là gì và do đâu mà xuất hiện, nó len lỏi trong thế giới những người nghèo, tầng lớp dưới như Fantine, Cossette xuất hiện sau này thế nào đây? Đó chẳng phải chính là thành kiến của xã hội như Nam Cao từng phê phán trong “Chí Phèo” hay sao?
Lúc bị buộc phải chịu mọi sự tàn nhẫn của thế gian, không có nơi ăn chốn ở sau ra khi tù, giám mục Myriel-người hay làm thiện nguyện đã cho Jean Valjean một nơi nương náu, cứu thoát anh khi anh ăn cắp đồ và chạy trốn. Dường như Victor Hugo không nề hà giang tay cứu rỗi linh hồn khốn khổ của Jean Valjean bởi những lời chia tay, dạy dỗ trở thành một người lương thiện, xám hối của giám mục Myriel. Cái thiện dễ dàng thấm thoát từ tấm lòng cao cả này sang một con người bị gắn mác là kẻ khổ sai, là phạm nhân cần được quan tâm, theo dõi.
Sau 8 năm, Jean Valjean trở lại dưới cái tên Madeleine với tư cách một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng nơi ông đang cư trú. Bởi thanh tra Javert (Gia-ve) vẫn luôn lùng sục ông ráo riết khiến ông không dám sống đúng nghĩa một con người với cái tên vốn có của mình. Sự việc khốn khổ thay khi có một người đàn ông khác bị nhầm là Jean Valjean và đưa ra tòa xét xử. Song hành lúc ấy, Valjean gặp gỡ Fantine-cô gái bị bắt buộc làm điếm nuôi con, đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng của ông và gửi gắm đứa con gái của cô-Cossett. Fantine để lại trong người đọc một nỗi niềm xót thương vô hạn về tình mẫu tử thiết tha, sự đáng chê trách của một người đàn bà khi bị cái cơ hàn quấn lấy, một tấm thân tàn với những mỹ cảm rung động đến góc đáy của chân-thiện-mỹ của người lương thiện. Với tấm lòng nhân ái và đồng cảm với những nỗi cơ cực mà Fantine đã trải qua, Valjean quyết định trả tiền cho lão chủ quán trọ Thénardier độc ác để mang Cossette chạy trốn đến Paris, đồng thời thoát khỏi sự truy đổi của Javert khi trú trong một nhà tu kín mà Javert không được quyền khám xét.
Thiên truyện được lồng ghép trong bối cảnh lịch sử của 9 năm sau cái chết của tướng Lamarque, người duy nhất trong giới lãnh đạo Pháp có cảm tình với giai cấp lao động, một cuộc cách mạng vào đêm mùng năm, rạng sáng mùng 6 tháng 6 năm 1832 do nhóm sinh viên đứng đầu là Enjolra lãnh đạo có sự tham gia của những người khốn khổ đã diễn ra. Đặc biệt trong đó có cậu bé Gavroche lang thang, có Marius-một sinh viên bị gia đình xa lánh vì quan điểm tự do của mình và anh đã trót yêu Cossette, con gái nuôi của Jean Valjean. Khi con gái của Thérnardier là Éponine cũng yêu Marius trong vô vọng, cô đã giúp họ rời khỏi nơi mà gia đình mình hứa hẹn nộp Valjean cho thanh tra độc ác Javert. Sau này, cô đứng vào hàng ngũ những người khởi nghĩa và chết trong vòng tay Marius khi hứng một viên đạn thay anh. Mọi ác độc xấu xa dường như tan thành bọt biển bởi tình yêu nồng cháy dẫu là hai phía hay đơn phương chăng? Hóa ra con người có thể trở về với bản ngã lương thiện của mình khi trái tim bắt đầu biết yêu, biết gọi tên một ai đó trong mơ.
Những ngày sau khi cuộc cách mạng nổ ra, những sinh viên bắt đầu thiết lập những thành lũy chiến đấu, có khả năng tự vệ ở mọi ngóc ngách. Javert ngụy trang vào hàng ngũ sinh viên và bị Gavroche nhanh chóng phát hiện. Chính Valjean biết tình yêu của Cossette dành cho Marius nên vì bảo vệ họ, ông cũng tham gia cuộc cách mạng. Ông coi Cossette là tất cả, “như ánh sáng, như nhà ở, như gia đình, như tổ quốc, như thiên đường của mình. Ông “yêu Cossette như con, ông yêu nàng như mẹ và ông yêu nàng như em gái”. Tình yêu giữa những con người khốn khổ ấy cao cả, thiêng liêng vô cùng. Thậm chí, ông còn “lấy ơn trả oán” xin tha cho Javert và cứu sống kẻ từng đẩy ông vào sự khốn khổ vô bờ của việc chạy trốn. Sau cùng, Javert nhận ra ông đang bị mắc kẹt giữa niềm tin vào luật pháp và lòng tốt của con người và nhảy xuống sông Seine tự vẫn.
Bình luận của bạn